O Chi từ Australia gởi email sang. O gọi tôi là “bé Tâm.” Nghe có chút ngỡ ngàng vì đã lâu lắm rồi không ai gọi tôi như vậy nữa. Không biết rõ ràng là cái tên làm sao mà có nữa, để trưa đi ăn cơm hỏi mẹ xem sao, dù đã hỏi không biết bao nhiêu lần. Chắc là ba muốn đặt tên con gái là “Minh Tâm” cho hợp với tên “Minh Trí” của anh Hai. Còn theo tôi nhớ là tên “Tâm” này là tên “chồng” của tôi. Í trời, nghe lạ quá trời. Số là khi ba đi học tập cải tạo, mẹ ở nhà tần tảo nuôi hai anh em. Phần cay đắng, cực khổ thì không nói ra thì ai đã sống ở Việt nam sau khi giải phóng cũng biết rồi. Ngoài giờ đi dạy học ra, mẹ phải đi làm vườn giúp một người bạn để có rau cải qua ngày. Hai vợ chồng người bạn của mẹ cũng là ba mẹ đỡ đầu cho hai anh em tôi, và cũng là ba má chồng… chỉ định của tôi, à, mẹ đỡ đầu cũng là cô giáo dạy lớp một, bà mẹ hiền của những bà mẹ hiền mà tôi may mắn gặp trên đường đời. Thấy ba mẹ con cun cút với nhau, ba mẹ đỡ đầu đỡ đần, giúp đỡ, hai người lại không có con nên coi hai anh em tôi như là con ruột. Tôi nhớ hoài hình ảnh ba Huy quảy gánh đi lấy nước từ dưới vực lên tưới từng luống rau, mẹ và má đỡ đầu thì lui cui đi nhổ cỏ. Mỗi lần tôi đi ra vườn thì đôi dép có nguyen một cái đế dày cui, ba Huy phải lấy liềm cạy ra. Thích nhất là những buổi trưa, đi học về đói bụng, ba Huy lấy mấy trái hồng chín mọng giấu trong thùng gạo ra cho hai đứa ăn đỡ. Rồi những bữa trời mưa sụt sùi, cả nhà quây quần đỗ bánh căn (bánh khọt), hay những khi trời mưa lâm thâm, lạnh ngắt, chun vô giường ba mẹ ngủ trưa, thú vị vô cùng. Ba mẹ đỡ đầu luôn có một thứ gì đó giấu trong phòng chừa phần cho hai anh em, khi thì mấy cái bánh qui, khi thì mấy cây kẹo, hay chén chè đậu .
À, lan man nhớ lại kỷ niệm cũ, giờ quay trở lại cái tên và tai sao tôi lại là con dâu…hụt của hai người. Vì không thể sanh con nên ba mẹ nhận một người con nuôi, đặt tên là Tâm. Một hôm ba mẹ đỡ đầu và mẹ tôi nói đùa, “Thôi, mình làm sui gia đi nghe.” Vậy là tôi nghiễm nhiên trở thành bé Tâm. Nói vậy chứ tôi ít khi nói chuyện với “chồng tương lai” của mình. Chỉ nhớ hay thấy anh ôm đánh mấy thằng con trai ngoài bãi cỏ sân trường hay ngay trên cái sân đất sét, máu trộn với đất thấy sợ le lưỡi. Lần nào, cũng là tôi tức tửi chạy vào mét má đỡ đầu, “Má ơi, anh Tâm lại đánh nhau ngoài kia kìa!” Mỗi lần mẹ đỡ đầu đến chơi nhà, bà kêu lớn từ ngoài cổng, “Chị sui ơi, có nhà không?” nghe như thiệt. Chỉ tội con nhỏ tôi đi học phải dấu nhẹm không cho ai biết mình có thằng chồng… chỉ định học lớp trên và tại sao kêu cô giáo mình bằng…má. Rồi năm mười ba tuổi, anh Tâm bỏ đi bụi đời. Ba tôi cũng trở về nên mẹ không lên giúp đỡ vườn tược nữa. . Không ai nhắc đến anh Tâm, ba mẹ đỡ đầu nhận nuôi tiếp một em gái và họ vẫn gọi mẹ là chị sui. Tuy nhiên, tôi bị dính chết với cái tên bé Tâm. Cũng có đến bảy, tám năm sau, anh Tâm lại lù lù xuất hiện. Như chừng đã mỏi mệt vì bôn ba đây đó và ăn nhờ ở đậu, anh trở về với ba mẹ nuôi của mình. Bữa cơm gia đình tôi từ đó thỉnh thoảng có thêm một kẻ gọi ba mẹ tôi là ba má và gọi tôi bằng em Tâm ngọt xớt tham gia. Người gì đâu hay thiệt. Tôi hay phụng phịu, vùng vằn bỏ ăn mỗi khi ba mẹ nhắc chuyện gán ghép ngày xưa. Nói cho vui vậy thôi, chứ ai cũng biết thời đại bây giờ mà còn gì mấy cái chuyện hôn nhân sắp đặt đó. Bẵng đi một thời gian, tôi về thăm ba mẹ đỡ đầu, được nằm trong phòng ngủ của hai người khi ngoài trời mưa bão tả tơi chờ mẹ đỡ đầu đội mưa đi mua bánh bèo về cho ăn. Nằm mà nghe mùi chăn ngai ngái như ngày xưa, gợi nhớ tuổi thơ được bảo bọc bởi những tấm lòng nhân hậu. Nghe ba mẹ nói anh Tâm đã có vợ con nhưng không chờ anh về kịp để nói chuyện hàn huyên.
Ngoài cái tên Tâm, tôi còn có nhiều tên khác nữa, thay đổi theo thời mà. Ngoài cái tên cúng cơm mà O Hà gợi ý cho Ba đặt ra, Ba có lúc gọi tôi là Tiểu Phụng (trong Kim Kê, Tiểu Phung, Hắc Tinh Tinh, Vằn Hổ cho 4 anh em). Rồi cũng có lúc ba muốn gọi tôi Diễm Dung như Ba định đặt khi lúc tôi chưa chào đời (cũng may là không đặt tên này chứ nếu không bây giờ tôi dở khóc, dở cười với nó). Không thì kêu theo thứ tự sanh đẻ là con Ba. Lấy chồng, giáng chức làm Năm, nhưng vẫn còn lớn vì sau chồng còn có thêm một hàng em nữa. Lúc lớn lên, bày đặt tập tành lãng mạn, bạn đặt cho là Thạch Thảo (để đi đôi với Buâng Khuâng và Bằng Lăng, hoa tím cả đấy). Rồi muốn quá cái hội nhâp, tự đặt tên Mỹ cho mình, nhưng không đổi tên khi nhập tịch vì làm sao mà từ bỏ cái tên đẹp đẽ ba mẹ cho, vả lại ai muốn từ bỏ nguồn gốc của mình. À, còn hai đứa em thì gọi chị là PopEye, hay Poppy, hay Pop chắc tại khi giận, cặp mắt lồi ra hơi được tự nhiên! :)
Ha, chuyện dài dòng của cái tên.
2 comments:
Mới đọc lại.
Xin chia vui và chúc mừng cả nhà Quyên nha!
Cam on anonymous. Q chiu thua khong doan duoc la ai, nhung chac la moi doc blog q sau nay.
Post a Comment