Tuesday, January 23, 2007

tò vò

Tò vò mà nuôi con nhện

Ðến khi nó lớn, nó quện nhau đi

Tò vò ngồi khóc tỉ ti

Nhện ơi, nhện hỡi nhện đi đằng nào?


Nó với tôi tính ra cũng không họ hàng gì, có chăng thì cũng là mấy cái mối dây nhợ lằng nhằng của tình người mà bây giờ cũng đã thuộc vào dĩ vãng. Ngày cậu Út đem nó về, người nó choắt như con chuột. Nghe đâu ba nó một hôm bỏ ba mẹ con nó bơ vơ, đi đâu biệt tăm. Bà quay lưng, lẫy hờn, “Cơm đâu đi nuôi con người khác.” Cậu không màng, cậu đã bỏ cả thời trai trẻ theo đuổi má nó rồi, bây giờ mới tới tay, dù có mang tiếng tò vò mà nuôi con nhện, cậu cũng chẳng buông. Tôi hay đứng trong góc bếp tối om nghe Ngoại với cậu lớn tiếng với nhau. Họ nói chuyện gì tới bây giờ tôi cũng không còn nhớ nỗi, chỉ nhớ như in hình ảnh cậu dẫn chị em nó vòng cửa sau đi vô nhà, cô Bông, mẹ tụi nó, líu ríu đi sau lưng cậu.
Thường cuối tuần, cậu mới dẫn mẹ con cô Bông về thăm Bà. Bà hay kiếm cớ xách nón đi cả ngày. Ai buồn giận không biết chứ tôi thì mừng lắm. Cả nhà, anh em bà con chỉ có mình tôi là con gái (nói vậy cũng không đúng, vì cũng có mấy chị gái nhưng họ đã lớn, chỉ màng chuyện yêu đương, hẹn hò, còn thì giờ đâu mà bầy cỗ, chơi đồ hàng với tôi), bây giờ có nó, tôi không còn theo mấy anh lêu bêu trong sân chùa, đá banh, thả diều nữa. Cả tuần, tôi chỉ ngóng đợi tiếng xe đạp của cậu lạch cạch ngoài ngõ là chạy ào ra, chờ nó chỉ kịp vòng tay chào bà xong là lôi tuốt ra sau vườn. Tôi có cớ để không phải ngủ trưa, hết cùng nó bầy cổ rồi nhảy lò cò.
Chẳng hiểu một người đàn ông chưa bao giờ làm cha như cậu Út lại tìm đâu ra một mớ kinh nghiệm chăm sóc con nít mà coi bộ rành rẽ, tự tin đến vậy. Bị cảm hả, uống viên aspirin này với ly nước chanh, ăn miếng cháo nóng, xong đắp mền là khỏi ngay. Ghẻ chóc? Tắm lá quỳ xong xức cái thứ thuốc gì đen xì vài ngày là khô ngay. Suy dinh dưỡng, ốm đói? Một ngày ăn ba tô cơm đầy, uống hai lần thuốc bổ tổng hợp, cộng với rau quả, thịt cá (có cân đo, đong đếm đàng hoàng), bảo đảm tháng sau, da dẻ hồng hào, khỏe mạnh liền. Mỗi bữa ăn, cậu làm hai tô cơm bự, bắt hai chị em nó ngồi vào bàn rồi hăm he, dọa nạt bắt phải ăn cho hết. Hai đứa nó nước mắt lưng tròng, trợn trạo, hết tô cơm thì cũng đâu chừng đến giờ đi ngủ. Chị em nó đã gầy trơ xương mà người còn đầy ghẻ chóc. Lúc nào cũng gãi sồn sột. Sáng chủ nhật, cậu hay đi xuống xóm dưới hái một mớ cây dã quỳ về nấu nước rồi lôi hai chị em nó ra tắm. Cậu dội nước tới đâu, hai đứa vừa nhảy vừa la tới đó. Vài tuần một lần, cậu cho tiền tôi dẫn hai chị em nó đi coi xi- nê coi như là bồi dưỡng tinh thần. Lâu lâu, ngồi nghe tụi nó gọi, “Bố ơi, bố hỡi” nghe cũng vui lây.
Rồi những điều bà nói gần như trở thành sự thật. Mở đầu là những lần tụi nó được bên Nội đón về nâng niu, chăm sóc như chưa từng bị bỏ bê, hắt hủi. Khi về, hai chị em nó quần áo mới xính xang ngồi râm rang kể chuyện về cái đồng hồ mới này, ba em mới gởi về cho em đây, cái đôi giày này là ông Nội dẫn em đi chợ mua về nè. Ba nó, chỉ mới đây thôi là kẻ phụ bạc, là người cha không tình nghĩa, giờ trở thành thần tượng trong lòng chị em nó. Cậu Út tôi hay đứng ngoài hiên hút thuốc rồi nghểnh cổ ngó trời.
Ngày tiễn gia đình cậu về Sài gòn để đi Mỹ, tôi nghẹn lời dặn nó, “Dù có chuyện gì xảy ra, em đừng bỏ cậu mà đi nghe.” Nó nước mắt lưng tròng, ôm vai tôi, “Chị yên tâm đi, em không làm vậy đâu.” Sáu tháng sau, gia đình tôi đoàn tụ với cậu. Mẹ nhìn quanh quất, hỏi, “Ủa, tụi nó đi đâu hết rồi?” Cậu chần chừ, “Đi hết rồi, qua đây được ba tháng thì tụi nó theo về ở với ba ruột nó, cản không được” mẹ ngồi phịch xuống ghế kêu trời.
Hôm nọ, tình cờ gặp nó trong chợ. Nó tỉnh bơ đi ngang tôi như chưa hề có những bữa trưa trốn ngủ leo lên cây ổi bên hông nhà, những bữa tập đạp xe, té nát đầu gối, những bữa trời mưa, rang mẻ bắp rang đầu mùa, ngồi nhâm nhi kể chuyện thằng bạn cùng lớp sao tự nhiên tới làm quen. Vậy đó, nó đi ngang qua tôi như không có sợi dây nào ràng buộc, vướng víu, như người dưng chưa một lần gặp mặt.

No comments: