Thursday, March 8, 2007

chờ

(viết cho chị Hòa)
“Tai lắng nghe tiếng dế canh trường nỉ non. Lòng con thường héo hon, năm canh thâu thơ thẩn ra vào, thân con ruột thắt, gan bào. Nơi quê nhà má con ốm đau, ở thành đô ba nhẫn tâm đành sao?”
Chị Lũng gọi tôi hôm qua, nói má chị bây giờ kỳ kỳ sao đó cưng ơi. Chị hỏi tôi có còn nhớ bài vọng cổ chị hay ca mỗi khi tôi về Sa Đéc thăm thím không? Sao mà không nhớ cho được, mỗi khi nghe chị hắng giọng xuống mấy câu là nước mắt hai chị em thi nhau rớt lã chã. Tôi khóc vì thấy gương mặt đen xạm vì nắng của chị cau lại cố ngăn những giọt nước mắt đọng tròn lũm trên bờ mi của chị, hai cánh mũi phập phồng, giọng run run, như chợt vỡ. Lần nào chị cũng nói với tôi, chừng ba chị về, chị hát bài này cho ổng nghe. Chị kể lúc trước, mỗi khi nghe chị hát bài này, thím Tám hay xách chổi rượt chị chạy vòng vòng, nói, “Nhắc nhớ gì mấy cái quân bạc tình đó”. Vậy mà dạo gần đây, cơm nước xong, thím hay ngồi trên bực cửa, biểu, “Lũng, bây hát cái bài con dế tao nghe.”
Kể từ cái đêm thím soi đèn đưa chú Tám tôi xuống thuyền vượt biển đến nay đã ba mươi năm ròng. Không biết trong ba mươi năm đó, năm mẹ con thím xoay xở ra sao khi không có chú ở nhà. Nghe tôi hỏi, chị Lũng cười nói thì vừa lo ăn lo mặc, vừa lây lất, đợi chờ thôi em. Cái đói, cái nghèo thì cũng đã quen rồi. Chỉ sợ những đêm giật mình thức giấc không biết chú phiêu bạt ở nơi nào, còn sống hay đã chết mà biền biệt không về. Những năm đầu khi chú Tám bặt tin, chiều nào thím cũng bồng thằng Thum ra bến sông, đi loanh quanh, mõi mắt ngóng chờ. Nghe phong thanh chú đã tới được bến bờ tự do mà vẫn chưa thấy nhắn về. Ai chèo ghe đi ngang cũng hỏi:
- Có tin gì của ổng hôn thím?
- Chưa, chắc lo xong cái ăn, cái ở, ổng mới cho tui hay. Thím Tám hay trả lời cầm chừng.
Khi thằng Thum được năm tuổi, đến lúc điền đơn cho nó đi học. Đọc tới đọc lui, tới phần điền tên cha, chị hỏi thím: “Điền sao má?” Thím nói gọn hơ, “Thì để chết chớ sao!” Chị viết mà miệng niệm Phật liên hồi. Tối đó thím giăng mùng đi ngủ sớm, không biết ngủ nghê gì mà sáng ra tóc thím bạc chừng nửa đầu. Có bữa, anh Na, em kế chị, ngủ dậy, rổn rảng, “Lúc tối tui nằm ngủ mơ thấy ba về nè, trong bụng sướng rơn, tui chạy lại mà ba không thèm dòm lấy nửa con mắt, đi một nước.” Chị Lũng cằn nhằn, “Mày nói lớn, má nghe bả buồn.”
Nghe đâu chú Tám có gởi mấy thùng đồ về mà tuyệt nhiên không viết một chử nào. Ban đầu, thím Tám không cho chị Lũng soạn sành, phân phát mớ đồ, thím nói, “Chắc ổng có gởi thơ mà bị kẹt chưa tới.” Chờ lâu quá mà không có thư từ gì, thấy chị Lũng đem mấy hộp chì màu chia cho mấy đứa em, thím Tám làm thinh, lầm lũi đi vô bếp ngồi cời than.
Tin chú Tám tôi chết đến tai thím ngay cái ngày cả nước ăn mừng ba mươi năm giải phóng miền Nam. Hai bên sông cờ treo đỏ rực. Thím thất thểu đi dọc bờ sông, gặp ai cũng gật đầu chào, rồi cười ngây ngô. Nghe cô Mười nói ước nguyện cuối cùng của chú là được đem tro cốt của mình rãi dọc con sông quê thím. Từ ngày nghe tin dữ, thím Tám lại ra đứng ở bến sông, chờ đợi. Thằng Thum hay ra nhắc chừng, “Người ta đi xe đò về chớ có đi ghe đâu mà má chờ ở bến làm gì?”
Tôi hỏi dè chừng, “Chị có trách chú không?” Chị Lũng cười hà hà, “Sao mà khỏi em, lúc trước thôi. Mà ổng đi Đông đi Tây đâu không biết, đến cuối đời còn nhớ bến mà quay về là được rồi, chỉ tội má chị, thương không ra thương, hận không ra hận, cứ sống dật dờ, nửa chừng, khó chịu lắm em ơi. Chỉ tiếc cái không hỏi được ổng sao rũ áo đi cái rột hết ba mươi năm, có khúc nào ổng nhớ đến má chị với năm đứa con đang mong ngóng, đợi chờ ở nhà không?”
Tôi lặng thinh không biết nói gì, cái câu này tôi cũng muốn thay mặt chị hỏi chú khi gặp mặt nhưng lại thôi vì đoán khi người ta đang trải qua những năm tháng cuối đời trên giường bệnh thì những nỗi đau, hay niềm nhớ tưởng đã chôn chặt đâu đó lại trỗi dậy, đau đớn còn hơn nỗi đau thân xác gấp bội. Chắc tại vậy nên chú muốn trở về lại bến sông?

No comments: