Friday, June 8, 2007

con nhỏ "Cô ơi!"

Ngày đầu năm học, nó giật áo tôi, ngữa đầu nói, “Cô ơi, con cũng là người Việt nam nè!” Hẳn nó nghe tôi nói chuyện với con bằng tiếng Việt. Tôi quay lại nhìn, con nhỏ vẫn đứng đó, ngữa cổ nhìn tôi chờ đợi. Đôi mắt chợt cay xè, tôi muốn ôm chầm cái thân hình bé bỏng kia vào lòng quá đỗi. Thật ra, không cần nó chạy lại nắm áo tôi giữa chốn xa lạ và đông người như thế này, khẳng định nguồn gốc của mình bằng tiếng mẹ đẻ, tôi cũng đã để ý tới nó ngay từ phút đầu tiên bước chân vào lớp. Khi cả lớp xếp hàng, từng người đi vào lớp để thầy giáo có dịp chụp hình học sinh và phụ huynh của mỗi đứa, nó lọt thỏm vào dòng người rồng rắn- nhe răng cười cho thầy chụp hình- không có ai đi cùng.
So với lũ trẻ năm tuổi cùng lớp, nó dạn dĩ vô cùng. Nhiều đứa trong lớp còn nghệch mặt ra khi thầy kêu đến tên mình, nó dường như rành rẽ mọi chuyện. Nó lăng quăng làm quen, nói chuyện với bất cứ ai trong lớp.
Mấy tháng trôi qua, tôi vẫn thấy nó lủi thủi một mình. Những lần họp phụ huynh, những chuyến đi dã ngoại ngoài trời, và ngày cả lần con bé đi nhận phần thưởng cuối học kỳ, tôi tuyệt nhiên không thấy ai đi cùng với nó. Những lần như thế, nó lại đến kéo áo tôi và nói, “Cô ơi, cô nhớ chụp hình cho con nghe?” Rồi nhe hàm răng với chiếc răng cửa mới thay, cười làm dáng.
Bữa học cuối năm, nó chạy lại hỏi tôi, “Cô ơi, cô có muốn tới nhà con chơi không? Số nhà con là 222 đường zzz, còn số phone của con là yyy-xxxx.” Tôi ngồi thụp xuống, bịt miệng nó, “Con ơi, con đừng đọc số nhà với số phone của mình cho người lạ nghe, con phải hỏi ba mẹ con trước chớ.” “Mẹ con cho con mà, không sao đâu cô” nó trấn an tôi. Sau ba tuần nghĩ lễ, tôi đưa con trở lại trường học, nó chạy ào tới, trách móc, “Cô ơi, sao cô không dẫn hai đứa tới nhà con, con chờ cô hoài.” Tôi ngớ người. Chợt thấy hổ thẹn với nó quá chừng. Hôm nó hỏi tôi đến chơi, tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện, ngờ đâu nó chờ tôi suốt cả ba tuần. Thấy nó lầm lũi đi vô lớp, cái dáng sao mà nhỏ nhắn, đơn côi làm cổ họng tôi nghẹn đắng.
Hôm qua, khi cả lớp đang rộn ràng chuẩn bị đi ra bến xe bus để đi dã ngoại, nó ào vào lớp, kéo tuột theo một phụ nữ mà tôi đoán là mẹ nó. Trái với vẽ liếng thoắn của nó, chị rất rụt rè. Chị đi lại phía tôi, gật đầu, “Chào chị, chị cho em gởi cháu đi với chị nghe, em không bỏ làm để theo nó được.” Rồi không đợi tôi phản ứng, chị buồn buồn kể với tôi như một người đã quen từ lâu lắm, “Tội nó lắm chị ơi. Em qua đây không bao lâu là chia tay với ba của nó. Hai mẹ con em một mình dọn ra ngoài. Tiếng Anh em không rành rẽ. Có nhiều lúc giấy tờ ở trường về em không làm sao điền được, phải chờ đến cuối tuần, đưa hết sang bên nội để họ làm giùm. Em phải đi làm nên con em gởi từ sáng sớm đến khi họ đóng cửa trường.” Tôi lặng yên đứng nghe mà không nói lời nào. Tôi sợ những câu an ủi của tôi lúc này trở nên thừa thải. Vả lại, tôi chỉ là một người lạ mới găp chị năm phút trước đây. Những vui buồn mà tôi nếm trải chắc gì đã sánh được những gì chị và con bé đã trải qua.
Đến hơn mười lăm phút, cả tôi và chị không nói gì với nhau. Đầu óc tôi miên man nghĩ về những ngày "không nắng" của tôi và anh, về chuyện đặt con lên trên những bất đồng trong cuộc sống, về lời hứa sẽ đem lại cho con những thiếu thốn mà hai đứa nếm trải khi còn nhỏ (dĩ nhiên là trong khả năng của mình), và rồi trong đầu tôi cứ lởn vởn hình ảnh chị ôm con bé trong căn hộ tối tăm, khóc không thành tiếng. Còn chị, chị đang nghĩ gì?
Tôi định bụng sẽ hỏi chị nếu cần tôi giúp điền giấy tờ, đơn học cho con, tôi sẽ giúp nhưng lại thôi, hẳn lòng thương hại là thứ mẹ con chị không cần trong lúc này. Tôi quay sang bảo chị,"Thôi chị đi làm đi kẻo trể, em lo cho cháu được rồi.” Chị không nói gì, chỉ cười rồi đưa tay vén tóc. Chị chờ đưa con bé lên xe, rồi đứng nhìn cho đến chiếc xe khuất cuối đường. Ngồi ở hàng ghế phía trên, con nhỏ lại quay xuống gọi, “Cô ơi, con đau bụng…”

No comments: