Chiều thu chớm lạnh, gió từ đập nước trước nhà lùa vào căn nhà trống tềnh toàng của hai mẹ con dì. Tiếng gió thổi cái líp tre lập phập sau hè. Thằng Bi ngồi nép mình vào người dì mân mê con ngựa gỗ không biết ai cho, thỉnh thoảng lại cười hăng hắc. Dì Hai đưa tay vuốt tóc con, mắt dõi qua phía bên kia đập nước. Khói bếp nhà người bốc lên nghi ngút, tiếng gà lục tục lên chuồng, tiếng con nít gọi nhau í ới. Nước mắt dì lại lặng lẽ rơi. Cái cảnh đầm ấm thanh bình đó, đến khi nào mẹ con dì mới được hưởng qua?
Non tháng nay, con đường tắt ra chợ bị nước trong đập tràn qua, bùn đất nhão nhẹt, bất đắc dĩ dì Hai phải đi theo con đường lớn. Ngày đầu tiên, lúc hai mẹ con quang gánh đi ngang nhà ông Tám, bà Tám đang quét sân, dừng lại chửi đổng, "Bây đâu? Đem mấy dề cơm nguội cho chó nó ăn." Thằng Bi nghe tiếng người ngẩng đầu lên cười ngu ngơ. Dì Hai kéo tay con, lầm lũi đi như tháo chạy. Trưa hôm ấy, lúc mấy bà hàng chợ đang ngủ gà ngủ gật, ông Tám thập thò sau sạp hàng của dì, nói vọng vào, "Hai ơi, cho tui xin lỗi, Hai đừng chấp bà già đó làm gì. Em cầm lấy chút đỉnh này, mua đồ chơi cho con." Dì Hai nuốt nước mắt, liệng mớ tiền vào người ông rồi quày quả quay đi. Thằng Bi đang nằm gối đầu trên đùi dì, ngủ say, chốc chốc lại co quắp người như đang tránh những trận đòn thù. Cơn ức nghẹn lên căng cứng cả lồng ngực, dì Hai cắn môi đến bật máu. Gương mặt trắng bệt của ông Tám khi dì báo cho ông biết dì đang mang thai thằng Bi lại hiện ra rõ mồn một. Lúc ấy, ông lắp bắp hỏi dì, "Em có thiệt cái thai này là của tôi không?" Dì Hai đau đớn, lầm lũi quay về.
Thằng Bi sanh thiếu tháng. Đêm đó, dì Hai ngậm cái muổng inox trên miệng, tự đỡ đẻ cho mình trong căn chòi má dì cất cho bên cạnh nhà. Cầm cự đến gần sáng, dì kiệt sức. Thằng Bi đói khóc ngằn ngặt. Chắc hẳn đã đánh thức bà dậy. Bà đi qua, lẳng lặng lấy quần áo cũ lau chùi cho hai mẹ con, tuyệt nhiên không nói một lời nào. Thằng Bi giống ông Tám như hai giọt nước, cũng hai hàng lông mày rậm giao nhau nơi trán, hai cánh mũi dài nhọn, chụm vào nhau như hình mũi tên. Mặc dù dì chưa bao giờ hé lộ với ai về cha đứa bé, kể cả má của dì nhưng trong cái xóm nhỏ này, tìm một người có những nét đặc biệt như vậy không khó. Một đồn trăm, trăm đồn ngàn. Ai đi chợ cũng ngó nghiêng vào hàng của dì, mua bán thì ít mà chuyện trò để thỏa lòng hiếu kỳ thì nhiều. Bà Tám một hôm xồng xộc đi vào, vén chiếc khăn, lặng nhìn một hồi rồi xách nón đi thẳng. Từ đó, thấy mẹ con dì Hai ở đâu, bà cũng chửi bâng quơ. Thằng Bi, ngoài cái chân quặt quẹo, lên năm tuổi mà vẫn như trẻ lên hai, chậm nói, chậm cười.
Năm ngoái, rau trái được mùa nên người ta thi nhau xẻ đất trồng rau. Rau không kịp bán đem về chất đống, chờ đến khi phân hủy, rãi làm phân bón. Sạp rau của dì Hai không chống nổi với những cạnh tranh của bạn hàng, dì sang sạp, đổi sang bán xôi buổi sáng. Xôi dì vần đều tay, hạt nếp dẽo mềm, thơm phức. Sáng sáng, đám thợ thuyền xúm lại, loáng một hết đã hết gánh xôi. Thói thường ăn một thứ hoài thì ngán, duy chỉ có chú Thân vẫn chăm chỉ ghé vào hàng của dì mỗi ngày. Chú tứ cố vô thân, lưu lạc về cái xóm nhỏ này mấy tháng nay. Thấy dì Hai với thằng Bi côi cút một mình, chú hay mượn cớ khi thì sửa lại cái chái nhà, lúc thì kê lại cái máng xối, qua lại chăm nom mẹ con dì. Má dì hay đứng trước hiên nhà, ngó nghiêng. Có bữa nói với qua như nhắn nhủ, "Được cạp, được dề thì còn chờ gì nữa?" Dì Hai cũng mến cái tính chân thật, hay thương người của chú Thân nhưng kẹt nỗi dì không chồng mà đã có con nên khó mở lời. Thôi thì đợi phải lúc, người ta khắc lên tiếng.
Cái ngày định mệnh đó, trời trở gió nồm, khô rát. Như mọi lần, dì để thằng Bi nằm ngủ trên giường, quảy gánh ra chợ. Lúc nào nó dậy, tự biết đường mà ra ngồi với dì. Chờ quá trưa, vẫn không thấy thằng Bi, dì sốt ruột nhìn về hướng nhà mình, thấy một cột khói đen ngòm tỏa ráp lên trời. Chột dạ, dì bỏ gánh chạy ngược lên đồi. Dì như ngã quỵ, trước mắt dì, ngôi nhà của hai mẹ con đang chìm trong biển lửa. Dì Hai chạy như bay xuống đồi, gào thét gọi tên con. Mong nó ở đâu đó từ hai bên đường, quặt quẹo xề ra ôm lấy chân dì. Người tấp nập chạy ngược chạy xuôi qua lối mòn vào nhà, mỗi người giúp một tay chuyền nước từ dưới đập lên để dập tắt ngọn lửa đang hung dữ liếm đã gần hết căn nhà. Dì Hai điên cuồng lao đi tìm từng ngõ ngách, bụi rậm quanh đồi, đụng ai cũng hỏi thăm thằng Bi, ai cũng gượng gạo lắc đầu. Tuyệt vọng cùng cực, dì quỳ sụp xuống đám bùn trước sân nhà, giơ tay như với lấy trời cao, xin một phép màu cho thằng Bi được bình an. Đám lửa cuối cùng đã được dập tắt. Dì liêng xiêng nhào vào đống tro tàn, chỉ kịp thấy cái thân hình co quắp trong kia rồi ngất lịm.
Ngày đưa thằng Bi đi chôn, không thấy tăm hơi ông Tám. Nghe má dì kể lại, sáng sớm bà Tám có đem giấy vàng mã ra ngã ba đốt rồi rãi tro ra tứ phía. Trong xóm, người góp công, kẻ góp của, giúp dì cất lại căn nhà nhỏ trên nền đất cũ. Mỗi buổi sáng, dì vẫn bới mẻ xôi đầu để dành cho thằng Bi, như ngày con còn sống. Những bi kịch đời dì, lại một lần nữa được thêu dệt và đem ra bàn tán. Cuộc sống của dì Hai vốn đã lặng lẽ, giờ càng lặng lẽ hơn. Chiều chiều, dì vẫn ngồi trước cửa, nhìn qua bên kia đập nước, thấy cảnh xum vầy của người ta mà lòng dạ bồi hồi. Chú Thân đi theo nhà thầu hẹn về từ tháng trước mà bây giờ vẫn chưa thấy tăm hơi. Cái thai trong bụng như nghe được nỗi lòng của dì, quẫy đạp không ngừng.
Originally, tôi đặt tên cho cái truyện này là "Ai đi, bỏ lại con đường" như lời một bài hát. Tuy không ăn nhập gì lắm với cả cốt truyện nhưng nó gắn liền với câu kết, như lúc Thị Nở nhìn về phía cái lò gạch hoang và sờ lên bụng mình. Nghe có hơi "cải lương" không?
6 comments:
Hic hic hicccc, xúc động. Cám ơn zen.
Không cải luơng tí nào cả. Good writing!
hic .hic .. hay quá ..
mich
Khi Nam Cao viết Chí Phèo, lúc đầu nó cũng có một tên "cải lương" không kém. Sau đó ông đổi thành "Chí Phèo" thì hay hơn hẳn đó zen! Vả lại mình phải là mình chứ nhỉ! Theo mình, viết truyện ngắn cái khó nhất chính là cách đặt tên đó.
Chị Cap, mich, Tím ơi!
:-)
anh Phước, "Làng Vũ Đại ngày ấy" thì không tới nỗi nào đâu chứ, theo zen.
Post a Comment