Wednesday, November 7, 2007

Quỳ

Mới sáu giờ sáng đã thấy Hùng lốc thốc kéo lê ba lô bước vào cái quán cốc của mẹ tôi. Đang loay hoay pha cà phê giúp mẹ, tôi xoay người hỏi:
-Hùng làm gì sớm vậy?
-Tối qua về khuya quá, hết xe về trên đó nên Hùng xin vô chùa ngủ lại. Mấy thầy cho ngủ trên đại sảnh, nửa đêm lạnh gì đâu. Muỗi cứ bay vo ve, chốn thanh tịnh, Hùng không dám đập nên nằm chờ sáng. Cho ly đen không đường nghe.
Hùng ngồi phịch xuống cái ghế nhỏ trong góc quán, chắc kị mẹ tôi la mới sáng sớm mà đã ngồi "gảy đàn" nên chỉ lấy tay xoa đi xoa lại những vết muỗi cắn. Gương mặt thư sinh của Hùng giờ đen sạm lại, đôi mắt tối sầm, u buồn. Uống vội ly cà phê, Hùng nhét nhúm tiền dưới đáy cốc rồi quày quả đi ra. Tôi gọi với theo:
-Lấy xe Tâm mà về, mai trả lại để Tâm đi chợ cho mẹ. Nhớ cành đào huynh hứa hôm bữa nghe.
Hùng hứ nhỏ rồi vòng ra sau hè, dắt chiếc xe đạp của tôi ra cổng, gật đầu chào mẹ rồi đạp xe đi. Tôi chạy ra hàng hiên, định hỏi chuyện Quỳ nhưng Hùng đã mất hút trong sương mù. Cuối tháng chạp, dù sương xuống thấp mà trời vẫn khô hanh. Sáng sáng, nắng trổ đằng đông, rọi mãi mới thấy được chút cảnh vật nhờ nhờ trong sương. Tôi hay đứng trước quán nhìn xuống con dốc trước nhà. Người từ dưới dốc đi lên, ban đầu chỉ là cái chấm tròn, càng lên hết dốc, bóng người lại hiện rõ, như bước ra từ trong sương mờ trong truyện liêu trai
Quán trưa vãng khách. Tôi mượn xe của mẹ, đạp như bay lên nhà Quỳ. Đến ngã ba, suýt đụng trúng một cặp trai gái trên chiếc Dream lạng vù qua trước mặt, nghe rõ mùi nước hoa nồng nặc. Dáng quen quen. Chao ôi, người giống người. Tôi cắm cúi đạp đến trước cổng nhà Quỳ, bấm chuông chờ đợi. Mẹ Quỳ thò đầu ra:
-Tâm hả con? Quỳ mới có việc đi xuống phố rồi.
-Phải mới ra không dì?
-Dì không biết! Mẹ Quỳ tránh ánh nhìn của tôi, mở cửa mời tôi vào nhà.
-Con có việc phải đi, dì nhắn Quỳ khi nào rảnh nhớ ghé nhà con, con có chuyện muốn gặp Quỳ.
Tôi chào mẹ Quỳ rồi phóng xe tiếp tới nhà Văn. Cửa lại đóng im ỉm. Vòng ra mảnh vườn sau nhà, thấy Văn đang lúi húi nhổ cỏ dưới chân đồi, tôi chụm tay gọi lớn:
-Đại ca ơi, lên đây đi, Tâm có chuyện nói.
Cái bóng dưới chân đồi quay phắt lên, nói tiếng được tiếng mất:
-Lại chuyện thằng Hùng nữa phải không?
Tôi không trả lời, lấy tay làm hiệu cho Văn đi lên. Không chờ cho Văn lên hết dốc, tôi đã hỏi dồn:
-Sáng giờ Văn đã gặp Hùng chưa?
-Hôm qua lão có ghé, nói đi bụi cho hết buồn mà.
-Bụi bặm gì, huynh coi người lão như người nghiện. Đã nói chuyện với lão chưa?
-Cũng nói sơ rồi. Mà còn có gì để nói, nên hay không là tùy ở Hùng thôi. Tâm đã nói chuyện được với Quỳ chưa?
-Thì Tâm kiếm nó hoài không gặp nè. Mà nó tránh mặt Tâm hay sao đó. Thiệt tình, bày đặt yêu đương chi cho khổ vầy nè.
Văn quờ tay ngắt mấy cọng bông bồ công anh bên cạnh, đưa tay vò nát, nói xa xăm:
-Ai mà trói buộc được con tim bao giờ hả Tâm?
***
Bốn đứa, Văn, Hùng, Quỳ, và tôi, hồi còn đi học, một hôm hứng chí rủ nhau ra vườn hoa thành phố, uống nước lọc, ăn bắp bung, bắt tay nhận nhau làm huynh đệ. Văn lớn nhất làm đại ca, Hùng là nhị ca, tôi tuy nhỏ tuổi nhất nhưng được tôn làm nhất muội, Quỳ là nhị muội. Chả biết lấy tiêu chỉ của nhóm là gì, thơ văn nửa chữ cũng không, học hành thì lương ương, lở dở. Thấy mấy đứa trong lớp tụm năm, tụm ba, kéo bè kéo nhóm chỉ còn bốn đứa tôi là bị lẻ loi, lộn trứng nên kết lại với nhau vậy thôi. Đại ca Văn là người già nhất lớp, là cháu độc tôn nên ông nội giữ ở nhà cho tới năm tám tuổi mới được thả cho đi học. Nhị ca Hùng là con nhà giàu nhất khu Thành, ba đời làm vườn nhưng mà tướng Hùng như thư sinh. Đàn ca xướng họa, không có món nào chừa. Nhất muội là tôi mang tiếng là con nhỏ "bỏ phố về vườn", trong lúc bạn bè cũ xúng xính áo dài trắng lượn lờ ngang phố mỗi sáng thì tôi phải lộc cộc một mình một ngựa đạp xe ngược bốn cây số tới trường. Vạt áo dài lận lên lưng quần, tướng tá không ra thục nữ, cũng chẳng ra quân tử chút nào. Còn Quỳ nhị muội nổi tiếng dễ thương nhất trường nhưng không có lấy một mống bạn. Trong điều lệ của nhóm mà đại ca Văn đưa ra không có khoảng huynh muội không được tự do luyến ái nên nhị ca và nhị muội "mết" nhau ra mặt. Con khờ tôi chả biết chuyện gì cho đến khi tôi tình cờ thấy Hùng cầm tay Quỳ, dí sát vào mặt, lấy ngón tay di di, bảo:
-Số Quỳ được chồng cưng lắm đây nè!
Quỳ đỏ mặt, rụt tay về, đấm vào vai Hùng thùm thụp. Nhìn hai đứa ríu rít cũng thấy vui lây, đẹp như mấy cái cảnh trong phim tình cảm Đài Loan hay chiếu nhan nhản thời bấy giờ. Chuyện chắc cũng không có gì đáng nói đến khi Quỳ được người quen giới thiệu đi học lớp tiếp viên du lịch. Thời gian cả bọn dành cho nhau ít dần. Quỳ đi sớm tối. Một ngày, cả bọn gặp Quỳ trên phố, miệng Quỳ sưng vù, hỏi ra mới biết Quỳ chịu đau nhổ luôn một lượt mấy cái răng khểnh để trồng lại hàm răng đều như hạt bắp. Nhị ca xót xa:
-Làm chi đau lắm Quỳ ơi! Huynh nhớ răng khểnh muội cười mà.
Quỳ bụm miệng. Tôi thắc mắc không biết Quỳ đang cười hay che đi mấy cái “cửa sổ” trống hoắc trên miệng. Có hôm ba đứa đi lang thang dưới phố chờ Quỳ tan học. Đi ngang qua dãy nhà cao tầng, thấy trên lầu hai nhạc xập xình, Quỳ đang được ai đó ôm eo tập nhảy. Tôi liếc nhìn Hùng, thấy lão mím môi, cái mũi hếch phập phồng, nhấn chân, đạp xe vượt cái vù qua mặt Văn và tôi.
***
Hùng lù lù xuất hiện chiều ba mươi tết đem theo một cành đào to đùng, chiếm hơn nửa phòng khách nhà tôi. Chờ Hùng dặn ba đốt gốc sao cho đào nở hoa đúng ngày, tôi lôi lão ra hiên nhà hỏi:
-Huynh tính sao?
-Tính sao là sao?
-Thì Quỳ đó.
Hùng thở dài, nói một câu tưởng như vô thưởng, vô phạt:
-Cành đào đó, nếu để tự nhiên thì tới mồng ba mới trổ hoa. Trổ hoa tự nhiên vậy mà lâu tàn lắm. Vì mình muốn có bông đúng ngày mồng một nên đốt gốc, cây gượng gạo trổ bông, thấy vô hồn lắm Tâm ơi!
Tôi không biết làm sao an ủi bạn mình. Cầm đòn bánh tét mẹ gói còn nóng hổi, đưa cho Hùng, giọng lạc đi:
-Tâm gởi cái này về cho hai bác. Tâm cũng tiếc lắm cái tình cảm vô tư, hồn nhiên của huynh với Quỳ nhưng biết sao hơn được. Đại ca theo ba về quê ăn tết rồi, huynh có buồn, biết nhà Tâm ở đâu rồi, cứ ghé đi, Tâm sẵn sàng lắng nghe. Cùng lắm thì cho mượn cái lưng làm bao cát, đấm cho đỡ ức nè.
Cái mũi hểnh của Hùng đỏ lên, lão quay phắt đi, đút tay vô túi, nghênh ngang đi ra cổng. Cái tướng cố làm ra vẻ ngông nghênh nhưng tôi biết, trong lòng Hùng đang chảy ra từng mảnh.
***
Tôi dựng xe trước nhà Quỳ. Cái xe Dream bóng lộn đang nằm chễm chệ chiếm hết gần nửa sân. Vừa thò tay định gõ cửa thì Quỳ bước ra ngoài. Đang cười lớn, Quỳ khựng lại khi nhìn thấy tôi. Người con trai sau lưng Quỳ bị mất đà, đùa vào người Quỳ. Cả hai nhìn tôi chờ đợi. Tôi thản nhiên giơ hai đòn bánh lên đưa cho Quỳ:
-Mẹ Tâm gởi biếu ba mẹ Quỳ ăn Tết. Quỳ đang bận, thôi Tâm về.
-Ừ, Tâm về. Quỳ thờ ơ trả lời.
Tôi nghe mặt mình nóng phừng phừng. Quỳ đã thay đổi quá nhiều. Quỳ không còn là con nhỏ Quỳ dễ thương, nũng nịu của ngày xưa nữa. Quỳ bây giờ, guốc cao, môi đỏ, là người của phố thị. Nhạt nhẽo làm sao! Tôi đạp xe như bay về nhà. Vứt xe bên hông quán. Rồi chạy ù vô phòng, nằm thở. Mẹ đang quét lá ngoài sân, hét lên:
-Đi đâu mà như ăn cướp vậy hả con? Con gái với con đứa!
***
Mẹ dặn sáng mồng một phải dậy sớm làm mâm cơm mời ông bà, nằm nướng đầu năm, cả năm nướng đến chín người. Kệ, tôi cuộn tròn mình trong chăn, một năm, khỏe nhất là những ngày này, không phải lo cơm nước, không phải dọn dẹp, quét tước. Thiếp đi lúc nào không biết, đến khi mẹ lay dậy, bảo Hùng đang chờ ngoài phòng khách. Tôi dụi mắt đi ra, định nhăn nhó nhưng chợt nhớ hôm qua lỡ tuyên bố hùng hồn với Hùng là sẵn sàng nghe hắn chửi bới, khóc than nên cười làm ngọt. Đầu năm mà! Hùng quần áo chỉnh tề, thúc:
-Thay đồ lẹ lên, Hùng dẫn đi coi cái này đẹp lắm.
-Có gì đẹp bằng chăn ấm nệm êm lúc này hả trời? Tôi càm ràm.
-Biểu lẹ lên mà. Hùng chờ trước cửa đó.
Tôi bước ra ngoài thì thấy Hùng đang chống chân chờ trên con chiến mã giàng ngang của mình. Tôi lắc đầu nguầy nguậy:
-Không đi, không đi xe. Ngày rộng, tháng dài, làm ta ba lô đi bộ nghe.
Hùng xốc ba lô lên vai, gật đầu:
-Ừ, thì đi.
Cuối cùng hai đứa cũng ra tới cái chỗ mà Hùng khoe là "đẹp lắm” ở gần ngã năm. Tôi như bị lạc vào một bức tranh tàu. Trước mắt tôi là một vườn đầy hoa tím đến lịm người. Nghe nói khu vườn này của một người kiến trúc sư nào đó thiết kế cho người vợ yêu của mình, đến khi hoàn tất thì người vợ bị tai nạn qua đời. Ông bỏ mảnh vườn, đi đâu biệt tích. Thấy tôi lặng người đứng ngắm, Hùng nói:
-Cái góc này là Hùng với đại ca tìm ra đó. Hùng không cho đại ca nói với Tâm vì muốn khu vườn này dành riêng cho Quỳ mà thôi. Giờ thì chắc Quỳ không cần nhìn những thứ hoa đơn sơ này nữa.
-Đã nói là Tết không nói chuyện buồn mà. Đón xe xuống phố rồi mình đi bộ xuống bờ hồ, băng qua trường sư phạm, vòng qua đồi cù, rồi về Thủy Tạ uống cà phê đi.
Hùng lẳng lặng đi theo tôi. Dù đã dặn không nói chuyện buồn nhưng tôi vẫn lắng nghe Hùng tâm sự về chuyện giữa Quỳ và Hùng. Giọng Hùng có lúc như chợt vỡ. Tôi lắc đầu cảm thương cho ông bạn bị “trúng quả” ngay mối tình đầu. Hai đứa cứ theo lịch trình đi đến chiều tối mới về lại phố. Lúc dắt xe ra trước cổng, Hùng mân mê tay lái, day qua tôi nói:
-Không có bà, chắc tui buồn chết trong xó nhà quá!
Cái giọng điệu xưng hô này, tụi tôi vẫn hay nói với nhau trước khi kết làm huynh đệ. Tôi lắc vai Hùng:
-Ông về đi, buồn phiền rồi cũng qua. Có những chuyện không cứu vãn được thì cách tốt nhất là cứ để cho nó đi. Mà đôi lúc lại là điều hay đó ông.
***
Ngày sau đó, tôi ghé nhà Quỳ chúc tết. Mặt Quỳ nặng nề, không cười, không hồ hởi. Về đến nhà, tôi ấm ức kể với mẹ, bà nói chắc như đinh đóng cột:
-Chắc lại giận con về cái vụ đi chơi với thằng Hùng hôm qua đó thôi!
Tôi gân cổ cãi lại:
-Con đâu phải là kẻ gian, thừa nước đục thả câu đâu mà mẹ bảo vậy.
-Ừ, chỉ có con ngây thơ nghĩ vậy thôi con ạ!
Tôi ậm ừ, kéo mền trùm kín mặt. Thiệt là làm ơn mắc oán.
Mồng năm tết. Đại ca thắng xe cái vèo trước cửa quán. Kéo tay tôi ra sau hè, hoạnh họe:
-Làm gì mà để Quỳ giận dữ vậy?
-Làm gì đâu, Quỳ là người đáng giận mà.
-Quỳ nói Tâm còn ngang nhiên đi chơi với Hùng bữa hôm tết kìa.
-Thiệt là oan cho Tâm mà. Đại ca đi rồi đâu có biết là lão Hùng buồn đến cỡ nào. Lão cần người tâm sự thì đại ca lại đi mất tiêu. Có biết là hai đứa lên đứng trước nhà Quỳ cả buổi mà không ai ra mở cửa không? Nói Tâm phải làm sao bây giờ?
-Mệt quá, càng gỡ càng rối. Văn thở dài.
Quỳ giữ khoảng cách với tôi từ hôm ấy. Thỉnh thoảng vẫn thấy Quỳ ôm eo anh chàng dưới phố vù qua ngang nhà. Đại ca nghe lời ông nội, đã về quê cưới vợ. Hùng vẫn có những đợt đi bụi đến mấy ngày không về. Thỉnh thoảng vẫn ghé quán mẹ tôi uống cà phê, giờ sinh thêm tật hút thuốc. Nhìn lão rít thuốc đến tóp má, thấy mắt cay cay.
Ngày tôi khăn gói lên đường, Hùng hứa sẽ tiễn tôi ra phi trường. Tôi định bụng sẽ dặn Hùng về nói với Quỳ rằng giữa tôi và Hùng chỉ là tình bạn đơn thuần. Chờ hoài mà Hùng không tới, mà cũng chẳng cần gì thanh minh, khi giữa chúng tôi, chỉ là tình huynh đệ như đã hứa bên chai nước lọc và bịch bắp bung trong vườn hoa năm nào.

7 comments:

K.C.Q said...

Bắt được "bọ chét" này nè zen:
- "tôi tuy nhỏ tuổi nhất nhưng được tôn làm nhất muội," nhưng sau đó lại "Nhị muội là tôi mang tiếng là con nhỏ "bỏ phố về vườn","

Đọc xong lại nhớ cái thời làm học sinh ở VN quá!

zen said...

Oops, chắc tại quá nửa đêm, mắt mờ. "soi" zen kỹ quá nghe! jk...:-)

K.C.Q said...

Ai biểu zen là "chân dung ngày tháng" làm chi nên được soi lui soi tới ngày mấy bận:)))

TrucMi said...

ha^'p da^~n qua' :) Ma^`n tie^'p ddi Zen ui. Cu+' ma` ddem chie^.n ho^`i xu+a ra ke^? dde^? ddu+o+.c hu+o+~ng ke' vo+'i :)

zen said...

*Tím ơi, soi kỹ quá, dị nên chùn tay đó. hihihi
*Trúc, ừ, để ráng tiếp nghe! :-)

CapriR said...

Mèn, đọc truyện này nhớ hồi đi học ở VN bạo. Cũng có màn thích qua thích lại, rồi cuối cùng chẳng đi tới đâu. Giờ gặp lại đứa nào cũng tay bế tay bồng, miệng cũng bô bô "ông/bà tui" mà có nhắc lại chuyện xưa mấy đâu, chỉ toàn là chuyện vợ chồng con cái bây giờ thôi.

zen said...

Cái thời đi học chắc ai cũng vậy hả chị. Mấy năm trước em về, đứa nào cũng tay bế tay bồng, không có con thì bồng vợ...hihihi.