Friday, October 2, 2009

ký ức lồng đèn

Mỗi mùa Trung thu, dù ở đâu cũng vậy, ký ức người ta đều có trăng, có đèn, có bánh, có lân. Đóng khung lại cái hình ảnh thanh bình của đêm trăng sáng, trẻ con xúm xít rước đèn quanh xóm, lại được chén no nê bánh ngọt và chè hạt sen. Ngoài ra còn chuyện giựt đèn, chuyện những kẻ cầm đuốc đi đốt đèn của con nít người ta.
Và trung thu ở quê tôi, còn là những ngày mưa tầm tả, cái nỗi háo hức lẫn thất vọng chờ trời ngớt cơn mưa để được dong ra ngõ rước đèn lại chiếm thêm một phần trong ký ức trẻ thơ.
Cái lồng đèn ông sao đầu tiên tôi tự tay làm vào năm lớp năm. Ngày đó ba có sẵn vật liệu chất đống trong chuồng gà nhưng là vì lồng đèn làm cho giờ thủ công nên tôi chỉ xin ba vài cọng tre rồi cặm cụi ngồi vót. Tới những mắc tre, những người làm lồng đèn chuyên nghiệp thường hay đẽo mỏng và đánh giấy nhám để nó khỏi ghồ lên khi phết giấy bóng. Tôi đẽo không nổi nên tới khi sơn phết được cái lồng đèn, nó ghồ ghề, lồi lõm thấy thương.
Tới phần chấm điểm, ngoài những cái lồng đèn bằng giấy học trò xếp lại, túm đụp vụng về. Chỉ còn cái lồng đèn của tôi và của Vân. Lồng đèn của Vân đẹp lắm. Giấy bóng thẳng băng, lại có chùm rua trên mỗi góc. Rốt cuộc, cô Hà, cô chủ nhiệm chấm đèn của tôi cao điểm nhất. Điều này gây phẫn nộ cho cả lớp. Tôi nhớ chiều đó tôi cầm đèn về nhà, lầm lũi đi mà đầu cứ cúi xuống trong vinh quang (!)
Vài hôm sau đó, mẹ kêu tôi lại nói. Cô Hà kể với mẹ, mặc dù lồng đèn của bạn Vân đẹp hơn lồng đèn của tôi nhiều lắm nhưng cô biết lồng đèn của tôi là do chính tay tôi làm nên cho điểm cao hơn của Vân là vậy. Hồi đó, thay vì hiểu được cái giá trị của sự công bằng, tôi ai oán giận cô Hà lắm.
Mà có ai hiểu được nỗi lòng con nít- tôi lúc bấy giờ chứ?
Đi học mà có mẹ dạy cùng trường khổ lắm kia. Đụng một cái là bị lũ bạn đổ hô ‘tại vì nó là con cô giáo’. Ngôi trường lộng gió của tôi nằm trên đỉnh đồi mà hầu hết học sinh ở đây là con nhà vườn. Ngoài giờ học, các bạn ấy phải xắn quần ra vườn nhổ cỏ, tưới rau phụ ba mẹ. Chuyện đi học của các bạn cũng đơn giản lắm, từ ngoài vườn xà vô nhà, lua vội miếng cơm rồi kẹp quyển vở vô nách chạy tới trường. Nhiều bạn không bao giờ mang dép, chân lúc nào cũng nứt nẻ, bám đầy bùn đất.
Mà tôi cả ngày làm gì? Ngay cả ngày hè, và ngoài giờ học, mẹ hay nhốt lên gian nhà thờ của nhà Ngoại, ra bài cho viết, cho đọc. Thường trong lớp, ngoài tôi với thằng Giang cứ thay nhau nhất nhì, sau này Biên với Sơ cũng bắt đầu vượt trội. Hai đứa nó là chị em họ. Tụi nó giỏi tính rợ, toán lúc nào cũng được điểm mười đỏ chói. Ghét cái là tụi nó không công nhận những thành tích tôi có được là do sự chăm chỉ cần cù mà ra. Lúc nào tụi nó cũng hùa vô bĩu môi xì xào, ‘tại nó là con cô giáo’. Ức thiệt ức!
Tôi nhớ có lần tụi nó viết một bức thư dài ngoằn, đưa tôi biểu mày phải đưa cho mẹ mày đọc. Tôi có dở ra đọc lén thì thấy tụi nó viết gì đó đại loại là đừng có tưởng con bà giỏi, nào là nó giỏi vì được nể vân và vân. Ngày nào tụi nó cũng ép tôi vô góc tường hỏi mày đưa thư cho mẹ mày chưa? Tôi suy nghĩ lung lắm, vừa sợ tụi nó ra tay vừa sợ mẹ cười. Cuối cùng thì nỗi sợ hãi tụi nó cũng thắng nên tôi len lén bỏ cái thư vô giỏ mẹ. Không biết mẹ có đọc được không, rồi có cười cái bọn trẻ con nông nổi không mà không thấy nói gì.
Tan học, anh em thằng Giang, Nhi, với Loan hay hộ tống tôi về. Cũng được một khúc thôi, vì nhà anh em thằng Giang ở ngày đền Thánh mẫu. Nhà Loan cũng cách đó dăm căn. Phần tôi phải lội thêm một quãng dài nữa mới về tới nhà. Hôm nào không có tụi nó thì tôi chờ về với mẹ.
Sau cái vụ lồng đèn, cho dù không dính dánh gì tới chị em Biên-Sơ nhưng tụi nó càng cay cú. Chiều hôm đó, mẹ ở lại họp. Anh em thằng Giang đã rẽ vô nhà, chỉ còn tôi với Loan. Hai chị em nó ngày thường đi hướng khác nhưng hôm đó cứ rà rà đi theo sau hai đứa tôi. Tới ngang đình Đa Trung thì tụi nó hò nhau vứt cặp a vô núm tóc tôi giật ngược. Hơi bị bất ngờ nhưng tôi vẫn biết chuyện gì đang xảy ra. Tội bạn Loan, bạn ấy tả xung hữu đột, nắm tóc hai đứa nó day ra khỏi tôi, rồi đấm cho mỗi đứa một cái ngay miệng. Tôi sợ tới hoa mắt nhưng vẫn thấy máu chảy lòng ròng từ miệng tụi nó . Cũng may là người nhà của bạn Loan chạy tới can ra. Bạn Loan cũng không bị thương tích gì. Tôi về tới nhà là bao nhiêu ấm ức bị bục ra, khóc ơi là khóc. Trời ơi, tới cả tuần sau, cái đầu nó đau tới không dám chải đầu.
Không nhớ sau đó ra sao, nhưng mà tôi được thêm một danh hiệu, con gái- lại con cô giáo mà đánh lộn ngoài đường. Vậy mà tới năm học lớp sáu. Hòa bình lắm! Chắc tụi nó bắt đầu biết mắc cỡ với con trai nên có hơi dịu dàng ra. Học chung chơi chung tới lớp chín thì tụi nó nghỉ học, …chuẩn bị đi lấy chồng.
Trung thu- ngoài những hình ảnh đóng khung mình hay nhớ tới. Nghĩ lại chuyện con nít ngày đó, chỉ biết phì cười!

No comments: