Monday, January 1, 2007

Tám

Chào 2007. Trưa hôm qua cả nhà lên cậu Hai ăn Tết, tối về ghé chị Tư, cả nhà tề tựu đông đủ ăn uống rồi đánh bài. Nghĩ cả nữa tháng nay, ngày nào cũng thức đến 1, 2 giờ sáng. Vui cũng vui thiệt mà mệt quá trời. Chờ đến mười hai giờ, uống champagne rồi chúc nhau hap pi nêu dia. Tối về, hai đứa bảo nhau, tự nhiên năm này mình gần gũi cả hai bên gia đình nhiều hơn năm nào hết. Chỉ cầu nguyện cho năm nào cũng vui vẻ như năm này là nhất rồi. Cái chuyện sau đây là tức cảnh sinh tình, khai bút cho năm mới.
Ông Sáu lặng người khi nghe đứa con thứ bảy của mình tỉnh bơ “báo cáo”, “Ba, tụi con sắp có con.” Đáng lẽ phải mừng mới phải nhưng ông thấy lòng mình nặng trĩu, thằng Tám mới bày tiệc làm sinh nhật cho con bạn gái của nó hôm tuần trước, rồi quỳ xuống cầu hôn thiệt là lãng mạn. Bà Sáu tối đó nằm còn tính với ông, thôi mình làm một chuyến về Việt nam rồi trở lại lo đám cưới cho nó, rồi còn cẩn thận dặn ông mai nhớ nhắc con Chín đem mấy cái mâm quả bà Năm mượn tháng trước về. Nhà có tám đứa con, mới xong được có bốn đứa, chuyến này lo cho thằng Tám xong, chắc lo hối thằng Ba, nhắm được mối nào thì làm đại cho rồi. Ông nhìn sang bà, thấy bà cười mà mếu, bảo con, “Thôi thì đã lỡ rồi, con tính sao thì tính.”
Ông Sáu trở mình, nghe tiếng bà Sáu lục đục tưới rau sau nhà, nắng đã lên cao mà trời còn lạnh buốt. Từ ngày dọn về cái nhà này, có khoảng sân rộng sau nhà, ông bà đào xới, trồng rau. Tiết kiệm thì không bao nhiêu vì rau rác ở đây rẻ rề nhưng mà vui. Sáng sáng ông bà lụi cụi người tưới rau, người nhổ cỏ, thấy ngày cũng đỡ dài và nhàm chán.
Tối hôm qua, lúc đi ra buồng tắm, ông tình cờ nghe lõm được mấy đứa con nói chuyện trên lầu. Con Tư nói, “Tám nè, thôi thì làm cái tiệc nhỏ rồi mời bà con, bạn bè tới ra mắt coi như là danh chánh ngôn thuận thành vợ chồng là được rồi.” Thằng Năm xen vào, “Ờ, làm lẹ lẹ sẵn bây giờ cái bụng còn nhỏ, không cần gì tiệc cho lớn.” Thằng Tám gằn giọng, “Thôi mệt quá, kệ Tám đi, Tám không cần biết ai nghĩ gì, cuộc đời Tám mà, Tám tự lo.” Tiếng con vợ thằng Năm chen vào, “Em nói vậy là không được, thì đành là mình có tự do của mình nhưng mà cũng nên làm cho ba má vui, em làm cái tiệc nhỏ, tiện cho hai em, ba má nhân tiện đó cũng giới thiệu con dâu luôn.” Thằng Tám lại gắt lên, “Em không cần biết ba má nghĩ gì, em sống cho em mà.” Giọng con Năm cũng hơi găng, “ Nhưng mà ba má sinh ra rồi nuôi em lớn mà, em không nghĩ cho ba má gì hết vậy?” Thằng chồng con Tư xem chừng đứa nào cũng có đà nổi nóng, đấu dịu, “ Thôi, Tám à, thì cứ theo dự định của em, làm cái tiệc nhỏ, nhưng mà thay vì nói là tiệc đám hỏi, mình mời thêm bà con, họ hàng ra mắt vợ em, cho dù ba má cho em tính sao thì tính nhưng em cũng nghĩ thương cho ba má một chút chớ.”
Ông không nghe thằng Tám cự nự gì nữa, trong suốt buổi nói chuyện, ông không nghe tiếng con Anna, hôn thê của thằng Tám, ừ, cũng phải, con nhỏ chắc là đang tròn mắt dòm vì nó đâu có hiểu tiếng Việt nam đâu. Ông thở dài trở vô phòng, thiệt cái thằng con, háo thắng như ông ngày nào. Đành lòng là ông bà cũng không chấp nhất chi cái chuyện “ăn cơm trước kẻng” của tụi nó nhưng mà nó cũng nghĩ cho đứa cháu tương lai của ông sanh ra được công nhận đàng hoàng.
Có lúc nhìn lại, ông thấy ông thay đổi quá nhiều. Ôi thì thời thế nó vậy. Nhớ hồi mới qua Mỹ, ông với bà cứ loay hoay, lục đục với cái vai trò mới của mình, không làm sao quen nỗi. Ở Việt nam, với tám đứa con, ông thét ra lửa. Thằng Hai có vợ con rồi nhưng một điều cũng thưa ba, hai điều thưa má, chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do ông bà quyết định. Gồng gánh vợ con sang Mỹ, chỉ ngủ một giấc thôi, cái vai trò chủ nhà của ông đã đảo ngược. Thằng con trai lớn của ông bươn ra, thi đậu được cái bằng lái xe, cả nhà có một chiếc xe năm chổ ngồi, mình nó sáng đưa mấy đứa em đi học, xong dọt đi làm, chiều đón em về, cuối tuần chở bà đi chợ, đi đâu ông cũng phải lên lịch. Tiếng người không rành, ông đi ra ngoài phải dẫn theo con Chín để nó làm thông dịch viên cho ông. Giấy tờ, đơn từ thì ông trông cậy vào con Tư, con Bảy. Tự nhiện, ông hóa như người què và câm điếc. Lắm lúc, ông thèm được đi ra ngõ, vươn vai ngó sang nhà hàng xóm, hỏi, “Cà phê chưa anh Tư?” hay “Cây ổi năm nay sai trái dữ hả chị Tư?” Ở đây, bước ra ngõ là xe cộ chạy vùn vụt, hàng xóm thì kín cổng cao tường, ông biết hỏi ai bây giờ? Mấy đứa con ông, bây giờ về nhà nói toàn tiếng Mỹ với nhau, kêu ông bằng Dad, bà bằng Mom. Ông nhớ gì đâu những buổi chiều ông đi làm về ở quê hương nghe tiếng mấy đứa con tắm gội sau nhà, cãi la nhau chí chóe, nhớ tiếng gọi ba, gọi má của con Chín nghe sao mà ngọt. Mấy tháng đầu, mấy đứa con mỗi khi bươn ra cửa cứ gọi vói vào, Bye Mom, Bye Dad, ông bảo phải vòng tay chào ba má đoàng hoàng. Riết rồi ông cũng chán, thôi thì nhập gia thì tùy tục.
Cuộc đời ông cũng lên voi xuống chó nhiều rồi, sống đã hơn nửa đời người, lớp già như ông cũng nên nhượng bộ cho lớp trẻ nó vươn lên. Nói vậy chớ ông bà cũng thầm mong con cái mình nó giữ lại gia phong, nề nếp.
Miên man nghĩ ngợi, ông không thấy thằng Tám bước vô phòng, đứng vòng tay trước mặt ông, thưa, “Ba à, con suy nghĩ kỹ rồi, tháng sau chắc tụi con làm một cái tiệc nhỏ, ba má mời mấy người bà con thân thích tới coi như ba má cưới con dâu, ba má con Anna không có ở đây thôi thì làm đơn giản vậy cũng không ai trách. Ba má giúp con lo khoản này nghe.” Ông gọi bà ơi, vô đây một chút đi, thằng Tám có chuyện thưa. Nghe sao mà mát ruột.

No comments: