Thursday, May 22, 2008

for whom the bell tolls

bài viết của Trịnh Hội
Và đúng như lời nhắn gửi của nhà thơ John Donne của gần nửa thiên kỷ trước, hôm qua chuông đã đổ. Đổ cho một người Việt Nam cùng trang lứa với tôi nhưng đã không được may mắn như tôi. Sau trên một thập niên chờ đợi mõi mòn tại Phi Luật Tân, cuối cùng hôm qua anh đã đành phải bỏ xác lại nơi đất khách khi giấc mơ vẫn chưa thành. Ra đi vĩnh viễn ngay tại phòng giam nhỏ bé của anh trong một trại tù đông đúc chật hẹp ở ngoại ô thành phố Manila. Nơi anh đã bị giam cầm trong suốt những tháng ngày còn lại, không thân nhân, và bè bạn cũng không. Cho đến giây phút này tôi cũng không biết điều gì đã xảy ra đưa đến cái chết của anh. Làm sao tôi có thể liên lạc được với mẹ anh ở Việt Nam và hỏi bà rằng bà có muốn sang Phi Luật Tân để nhận xác con bà hay không. Và làm thế nào để tôi có thể bớt chất vấn tôi hơn. Là lẽ ra tôi đã có thể cố gắng hơn trong quá khứ. Để biết đâu hôm nay anh vẫn còn cơ hội hiện hữu trên cõi đời tạm dung này. Để niềm hy vọng được định cư vẫn còn. Và cái tên Lê Minh Tiến vẫn được nhắc đến như là một nhân chứng sống của những người con Việt lai Mỹ lớn lên trong khổ nhục, túng quẫn lúc trưởng thành.
Nhưng Tiến đã chết.
Tôi vẫn còn nhớ rõ lần đầu tôi gặp Tiến. Đó là những năm tháng đầu tiên tôi bước chân sang Phi Luật Tân vào cuối thập niên 90. Lúc ấy tôi phải lập danh sách cho tất cả những người con lai bị kẹt lại để xem mình có thể giúp được gì cho họ hay không. Nhưng sau khi trại tỵ nạn đóng cửa và tất cả mọi người đều phải tự đi tìm cho mình một nơi mưu sinh cầu thực thì hầu như không ai biết rõ cuộc sống của những người con lai, ai còn, ai mất. Theo lời kể của một số người thì họ bảo Tiến đã chết. Mặc dù không ai có một bằng chứng nào rõ ràng hoặc khả dĩ có thể điều tra được. Cho đến một hôm một người con lai khác đến tìm tôi và bảo rằng Tiến chắc chắn vẫn còn sống vì anh vừa mới đi thăm Tiến ở trại giam trước đó.
Ngặt nỗi người con lai này lúc ấy lại bị cho là một trong những người có bệnh tâm thần, đi đâu cũng cầm một cuốn thánh kinh, vì vậy tôi không nên tin. Nhưng ngày này qua ngày khác anh vẫn kiên quyết xin gặp tôi chỉ để thông báo cho tôi biết là Tiến vẫn còn sống. Và nếu như tôi không tin thì anh có thể dắt tôi đi. Cuối cùng thì tôi đã xiêu lòng và đồng ý đi thử một chuyến. Trại giam lúc ấy không xa văn phòng tôi ở là bao, vả lại lúc ấy tôi nghĩ rất đơn giản, nếu không gặp được thì thôi, cứ coi như là đi thăm một trại tù ở Phi Luật Tân xem như thế nào.
Chỉ trong vòng khoảng 15 phút sau khi tôi xin phép trại giam, tôi đã gặp được Tiến. Tiến lớn hơn tôi 2 tuổi nhưng lúc ấy trông phải già hơn trên 10. Mũi Tiến bị những người tù Phi ở chung đánh nên bị gãy lệch sang một bên. Cả hàm răng trên chỉ còn khoảng 2, 3 cái. Mắt Tiến bị cận nặng cộng thêm sự đánh đập vì là người Việt duy nhất bị nhốt trong trại giam nên nói chuyện với tôi cứ lâu lâu là chớp liên tục, hoặc chỉ nhìn tôi chằm chằm. Nhưng cảm giác đầu tiên tôi thấy có ở nơi Tiến là sự chịu đựng và hiểu biết anh là ai, và đang cần gì. Anh không là một người hoàn toàn bình thường, trông như là một người vừa mắc bệnh trầm cảm. Chưa nặng nhưng có một cái gì đó tôi thấy rất mong manh và dễ bị dao động.
Sau khi lập hồ sơ cho anh và đặc biệt là sau khi nói chuyện với người trại giam trưởng, tôi được biết thêm là Tiến đã bị giam cầm trên 2 năm. Vì tội duy nhất là anh không có bất cứ một giấy tờ chứng nhận gì trong người. Và cũng không có bất kỳ một ai vào thăm hỏi, ngoại trừ một anh người Việt lai Mỹ trông có vẻ cũng bị bệnh tâm thần giống như Tiến. Hôm đó trên đường về nhà tôi nhớ là tôi đã tự hỏi tôi: có chắc là những người bình thường như chúng ta biết rõ là chúng ta đang làm gì hay không? Và biết đâu trong sự điên loạn của tâm hồn vẫn tồn tại những tình cảm thương mến dành cho đồng loại mà ở một số người bình thường chúng ta sẽ khó mà tìm thấy?
Không ít lâu sau khi làm đơn nộp cho trại giam thì Tiến được thả ra.
Nhưng với điều kiện là văn phòng của tôi lúc ấy phải cam kết lo cho Tiến chổ ăn, chổ ở, và đặc biệt là phải lo cho sức khỏe của Tiến. Trong vài tháng đầu, mọi việc xem có vẻ ổn thỏa. Tiến được Linda một thiện nguyện viên từ Úc sang làm việc trong văn phòng cho tiền mua kính cận đeo, làm lại một hàm răng giả, và được uống thuốc đều đặn. Tòa Đại Sứ Mỹ cùng lúc tái cứu xét hồ sơ của Tiến, cho Tiến đi khám sức khỏe lại để chuẩn bị sang Mỹ định cư nếu mọi việc ổn thỏa. Lúc ấy vào khoảng cuối năm 2000.
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày Tiến bị đuổi ra khỏi văn phòng. Nó là một giây phút, một khoảnh khắc trong đời của tôi mà hầu như đã bị đông lại và được khắc sâu vào tâm khảm mỗi khi tôi nghĩ về Tiến. Lúc ấy tôi ở văn phòng (và cũng là nhà của tôi) với Tiến và một số đồng bào tỵ nạn, anh em thiện nguyện khác. Vì phải sống chung với nhiều người nên văn phòng đã có một số điều lệ bắt buộc mọi người phải tuân theo như không được chửi thề, đánh lộn, lấy đồ ăn của người khác, v.v. Hôm đó Tiến bị một người thiện nguyện viên nam trong văn phòng bắt gặp là đã tự động lấy đồ của người khác ăn mà không hỏi trước. Không hiểu sao hôm đó bỗng nhiên Tiến lại lớn tiếng cãi lại. Và chửi thề làm cho người thiện nguyện viên nổi giận. Vì cả hai đều nóng nên chỉ sau ít phút lời ra tiếng vào, cả nơi chúng tôi đang ở ai cũng dòm ngó. Lúc ấy tôi mới bước từ văn phòng sang nhà bếp để can thiệp. Tôi có bảo là thôi cả hai nên nói nhỏ lại và đặc biệt là Tiến không nên chửi thề, la lối om sòm. Nhưng rất tiếc là lúc ấy lời nói của tôi không thấm vào đâu, nhất là sau khi người thiện nguyện viên kia lớn tiếng đuổi Tiến ra khỏi văn phòng. Hình như trong Tiến bỗng nhiên mất hẳn đi sự nhẫn nhục, kềm chế mà tôi thường thấy. Người kia càng có hành động cương quyết đuổi Tiến đi bấy nhiêu, thì Tiến lại càng vùng vẫy, cố gắng bám víu lấy lại cánh cửa của văn phòng, miệng chửi luôn hồi cho là người đó không có quyền đuổi Tiến.
Có thể Tiến đúng. Nhìn lại quá khứ và nếu biết trước là Tiến sẽ chết trong tuyệt vọng, ai trong hoàn cảnh đó dám dùng quyền đuổi Tiến? Lúc ấy tôi đã im lặng đứng yên để cho Tiến bị đẩy ra khỏi văn phòng không cho ở lại. Như vậy tôi đã làm tròn bổn phận của một người thiện nguyện viên hay chưa? Lỗi cuối cùng là ở Tiến hay là lỗi của tất cả chúng ta đã không cố gắng hết sức giúp cho những người kém may mắn hơn mình? Tôi vẫn còn nhớ vài năm trước khi tôi đi xin chính phủ Mỹ nhận những Việt tỵ nạn ở Phi Luật Tân, một nhân viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nói thẳng với tôi là ‘well, they are not dead yet, right?’. Thì ra đôi khi trong xã hội hiện tại có một số người họ phải đợi đến chết mới cứu. Nếu ai cũng như vậy thì quả thật không biết đến khi nào chúng ta mới có thể cứu giúp được hết nhóm 160 người Việt tỵ nạn hiện đang sống lây lất vô tổ quốc tại Phi Luật Tân. Trước khi họ đành phải cam tâm với số phận như Tiến.
Kể từ lúc không sống chung với văn phòng, Tiến từng bước đi vào ngõ cụt. Vì văn phòng không có tiền cho Tiến uống thuốc, không đủ tiền mướn nhà cho Tiến ở, và vì Tiến không có cơ hội sống gần gũi với tình bằng hữu, nghĩa đồng bào, trong tuyệt vọng, Tiến đã phải một lần nữa lao vào vòng tù tội, vì những xung đột tranh chấp trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Thiếu thuốc điều trị lại phải vào tù nơi tất cả những gì tồi tệ nhất giữa người với người có thể xảy ra, căn bệnh trầm cảm của Tiến ngày càng nặng hơn.
Lần cuối tôi gặp Tiến cách đây gần một năm, tuy Tiến vẫn có thể nhận ra tôi và hiểu là văn phòng vẫn đang cố gắng giúp hồ sơ cho anh, hình như có một cái gì đó đã hoàn toàn chết trong Tiến. Anh đã không còn nhanh nhẹn như ngày xưa. Và hình ảnh cuối cùng của Tiến mà tôi ghi nhận trước khi chia tay trong trại giam là đôi tay run rẩy của Tiến. Run không phải vì yếu sức mà vì không có thuốc để uống cho bớt đau.
Đêm nay sau khi chia sẻ với vợ tôi về cái chết sáng hôm qua của Tiến ở Manila, vợ tôi đã nhắc đến bài thơ The Island của John Donne. Tôi mong là nếu như tôi phải viết một lời tạ lỗi dành riêng cho Tiến vì trong quá khứ tôi đã không thấy và làm tròn được hai chữ thông cảm và từ tâm, tôi xin mượn lời của bài thơ này để tưởng nhớ đến anh:
No man is an island, entire of itself;
Every man is a piece of the continent, a part of the main;
If a clod be washed away by the sea, Europe is the less.
Any man’s death diminishes me, because I am involved in mankind;
And therefore never send to know for whom the bell tolls; it tolls for thee.

8 comments:

Anonymous said...

Đọc xong bài cũng cảm thấy hình như có những lúc vô tình đánh mất đi sự "thông cảm và tự tâm"
Tội nghiệp cho anh chàng Tiến xấu số
Đúng ra con lai là đã được đi máy bay sang Mỹ, đâu cần đi vượt biên . Vượt biên đã đem cái mạng ra đánh giá rồi mà vẫn không được đi định cư

Thanks for posting bài này để chị được đọc

~chi. Pi

zen said...

Có lúc không phải vô tình chị ơi, mà vì một, hai, hay nhiều hoàn cảnh/lý do nào đó mình làm vuột đi sự thông cảm và từ tâm.
Mỗi người một số phận hả chị. Có muốn đi máy bay sang Mỹ cũng phải tốn một mớ tiền làm giấy tờ, đút lót nọ kia, mà chưa chắc anh Tiến này đã lo được.
K. đã quen với trường mới chưa chị? Đã quyết định tự thưởng cái gì chưa?
:-)

Ta said...

Đôi lúc thấy số phận con người sao mà mong manh, dễ vỡ ghê, chị hén.
Xót thay cho con người dành trọn cả cuộc đời để theo đuổi một tia hy vọng thật mong manh, và cuối cùng thì lại té xuống trong thất vọng và bàng hoàng.

p.s - bài viết chị tìm ở đâu vậy? hay ghê.

TrucMi said...

Ba`i na`y ddo.c tha^'y buo^`n cho kie^'p con ngu+o+`i ghe^ he'n. Tru'c u+a ddo.c ba`i vie^'t cua? TH o+? Ngu+o+`i Vie^.t online. Tru'c thi'ch ca'hc vie^'t cua? TH nha^'t la` ca'ch vie^'t tie^'ng Anh. Always think he is cool except for married to KD (but we don't need to talk about that :)

zen said...

Em Ta hỏi khéo bản quyền đó hả? J/K, hình như bài này chị đọc bên người việt online đó Ta.

zen said...

Trúc, ừ, zen cũng hay đọc bài của him. đơn giản mà hay ha.

Zzooom said...

Thật cảm động. Số phận mỗi con người được liên kết với nhau bằng chất chứa ưu tư, muộn phiền. Hi vọng đất nước sẽ phồn vinh để những người con không còn phải lưu lạc nơi đất khách quê người. Chúc mọi người vui vẻ. Thân!

zen said...

Bạn zzooom, cảm ơn bạn ghé thăm nhà. zen cũng hy vọng những gì bạn zzoom hy vọng, có lẽ còn hơn vậy nữa. Một tuần vui vẻ nhé.